TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics

TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ ngành logistics phát triển mạnh mẽ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.

Chiều 30/9, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đã tổ chức Diễn đàn logistics TP Hồ Chí Minh lần 1 - năm 2022 với chủ đề “Vị thế logistics của TP Hồ Chí Minh từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực” nhằm tìm ra các giải pháp để phát triển logistic TP Hồ Chí Minh.

Còn nhiều điểm nghẽn

Chia sẻ về tầm nhìn phát triển ngành logistics của TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.

Theo bà Phan Thị Thắng, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, TP Hồ Chí Minh cũng đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics thành phố, bao gồm vấn đề về hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực.

TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics

Chia sẻ rõ hơn thông tin về điểm nghẽn vấn đề hạ tầng giao thông, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cụ thể, các tuyến đường vành đai kết nối các tỉnh, thành triển khai còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng phát triển. Thực trạng dễ thấy là đường bộ nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế, quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn do xung đột luồng xe chạy, thiếu cầu có đủ trọng tải phù hợp giao thương hàng hoá; kết nối cảng với các khu chế xuất (KCN), nhà máy, tại các cảng biển cũng thường xuyên quá tải...

Đối với điểm nghẽn nguồn nhân lực, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện đang có gần 30.000 DN đang hoạt động đăng ký ngành logistics, trong đó số DN tại TP Hồ Chí Minh chiếm 54%. Bình quân mỗi DN có 20 người và với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm, các doanh nghiệp sẽ cần 8.400 - 10.000 lao động/năm. Tuy nhiên, thực tế đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu này. Do vậy, gia tăng đào tạo nguồn nhân lực cho DN ngành logistics nói chung là rất cấp thiết.

Ngoài hai điểm nghẽn lớn trên, đại diện một số DN TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành logistics của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung còn bị một điểm nghẽn khác là hạ tầng mềm chưa phát triển đồng bộ. Cụ thể là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển, thiếu đồng bộ, chưa được quy hoạch lâu dài nên thường dễ gây hiệu ứng domino tắt nghẽn, phát sinh nhiều công đoạn thừa, làm chậm và gia tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp…

Đẩy mạnh liên kết vùng 

Theo các chuyên gia kinh tế, để khơi thông nguồn lực logistics, trước mắt TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để phát huy được tổng hòa lợi ích của các tỉnh với nhau. Đặc biệt, muốn phát triển nguồn nhân lực về chất và lượng theo định hướng quốc tế, TP Hồ Chí Minh cần liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường) vào phát triển ngành. Bởi đây là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành logistics trên thế giới.

Bà Phan Thị Thắng cho biết, đối với việc đầu tư cho nguồn nhân lực, hiện Thành phố đã làm việc với các trường đại học, trung tâm dạy nghề… và đề xuất hỗ trợ 70% chi phí đào tạo ngắn hạn cho nguồn nhân lực dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các cơ sở đào tạo, nhà nước, doanh nghiệp thúc đẩy mô hình đào tạo “nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp” để đảm bảo đầu ra cho nguồn nhân lực và đào tạo những nhân lực doanh nghiệp cần nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại cho doanh nghiệp. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng chủ động đề xuất liên kết với các tỉnh, thành để mở rộng quy mô đào tạo và chia sẻ nguồn nhân lực cho ngành này trong thời gian tới.

Tương tự, ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistics, hiện nay TP Hồ Chí Minh xác định 2 nhiệm vụ chiến lược là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho DN logistics nhỏ và vừa để bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt. Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để ngang bằng trình độ quốc tế, có thể liên kết với các tỉnh để đào tạo.

TP Hồ Chí Minh tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics

Riêng với đối với điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng giao thông, ông Bùi Hoà An cho rằng, để có thể đầu tư đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, Thành phố cần hơn 970 ngàn tỷ đồng, đây là nguồn vốn rất lớn. Do vậy, trước mắt Thành phố tập trung, ưu tiên triển khai các dự án như Vành đai 2, 3 và 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2. Với các cảng thủy nội địa, tập trung triển khai dự án các cảng tại khu công nghệ cao (6 ha), Củ Chi (15 ha), Phú Định giai đoạn 2 (60 ha) và Khu công nghiệp Cát Lái.

"Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện các dự án cao tốc như TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Bến Lức – Long Thành; đồng thời mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Bởi, khi TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông sẽ khơi thông mạch máu, giúp ngành logistics phát triển, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố", ông Bùi Hòa An chia sẻ thêm.